Đi cắm trại là cơ hội "vàng" để hiểu và dạy con xử lý tình huống trong cuộc sống

Đây là cách để hiểu và dạy con của vợ chồng nhà Sakura (anh Dũng và chị Phương Anh), ở Yokohama, Nhật Bản cùng hai con gái 9 tuổi và 13 tuổi.

Ở Nhật 21 năm, cũng giống như bao người khác, vợ chồng nhà Sakura (anh Dũng và chị Phương Anh) bị cuốn vào văn hoá “làm việc quên mình” của người Nhật. Rồi một ngày, nhận thấy thời gian tiếp xúc với con mỗi ngày đều rất ít, vợ chồng nhà Sakura đã đặt mục tiêu đi cắm trại ít nhất 1 lần/tháng để thắt chặt tình cảm gia đình, dạy con cách sống tự lập và nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên trong con.

Bài viết của vợ chồng nhà Sakura (anh Dũng và chị Phương Anh) dưới đây là những chia sẻ về sở thích đi cắm trại tuy “hành xác” nhưng đầy tính giáo dục của gia đình.


Hình ảnh nhà Sakura đi cắm trại vào mùa đông (Ảnh cắt ra từ clip)

Rút ngắn khoảng cách trong gia đình

Ở Nhật được 21 năm, cũng giống như bao người khác, chúng tôi bị cuốn vào văn hoá “làm việc quên mình” của người Nhật. Nhiều hôm cả hai vợ chồng đi làm đến đêm mới về, chỉ kịp ngồi ăn với con một chút rồi phải cho con đi ngủ. Cuối tuần thì con lại phải đi học thêm nên thời gian gia đình dành cho nhau rất ít.

Đây có lẽ là nếp sinh hoạt thường thấy của các gia đình Nhật Bản, tuy nhiên vợ chồng tôi rất muốn theo sát những thay đổi của con và tăng cường các hoạt động trải nghiệm gia đình, nên đã chọn cách đi du lịch - cắm trại vào tất cả các kỳ nghỉ lễ ngắn dài của Nhật.  

Ở Nhật có 3 kỳ nghỉ dài là Tuần lễ Vàng, Tuần lễ Bạc, kỳ nghỉ năm mới cùng rất nhiều ngày nghỉ lễ rải rác trong năm. Thường thì nhà tôi sẽ tổ chức 1 chuyến du lịch nước ngoài và 2 chuyến đi phượt (roadtrip) xuyên nước Nhật vào 3 kỳ nghỉ dài, còn vào những ngày nghỉ lễ thì nhà tôi hay tranh thủ đi cắm trại hoặc đi chơi ngắn ngày. Tính đến nay, nhà tôi đã đi qua 36 trên tổng 47 tỉnh của nước Nhật và một số nước khác như Mỹ, Úc,...

Đi du lịch có thật sự sướng như mọi người thấy?

Khi nhắc đến du lịch, chắc nhiều người sẽ liên tưởng đến các cụm từ như “sang chảnh”, “tốn kém”, hay “khó sắp xếp”. Trước kia nhà tôi cũng từng có suy nghĩ như vậy, cho đến khi tôi (anh Dũng) có cơ hội đi cắm trại cùng một người bạn ở Nhật vào năm 2016.

Cảm giác được hoà mình vào thiên nhiên hùng vĩ, được trải nghiệm một cuộc sống khác xa đời thường là một cảm giác rất mới mẻ, khiến tôi bị “nghiện” kiểu đi chơi này ngay lập tức. Khác với hình thức đi du lịch và ở khách sạn, hình thức đi cắm trại và tự phục vụ đáp ứng đủ các tiêu chỉ ngon - bổ - rẻ, cho nên nhà tôi đã duy trì sở thích này trong suốt 4 năm qua.

Đi cắm trại thật ra rất khổ. Cơ sở vật chất thiếu thốn và hoang sơ, hơn nữa mình còn phải tự lấy nước, bổ củi, dựng lều trại,... Tuy nhiên cũng vì vậy mà mình được sống chậm lại.

Nếu ở khách sạn hay ở nhà cuối tuần thì chắc chắn nhà tôi sẽ không có những hoạt động gia đình như cùng nấu ăn, cùng nhặt củi, cùng leo núi,... Những cái bất tiện khi đi cắm trại lại chính là công cụ giúp gắn kết gia đình tôi và tạo ra những kỷ niệm đẹp cho gia đình.

Cơ hội “vàng” để giáo dục con

Mỗi lần đi phượt hay đi cắm trại về là vợ chồng tôi lại hiểu thêm về tính cách của hai con gái. Khi ở cùng nhau 24/24, cha mẹ sẽ quan sát được hành động của con, lắng nghe kỹ hơn những câu chuyện con kể, từ đó biết được con đang nghĩ gì và cảm thấy như nào.

Đây cũng là cơ hội để con học cách tự giải quyết vấn đề thông qua những tình huống bất ngờ ở những địa điểm khác nhau. Chẳng hạn, có lần nhà tôi gặp tai nạn giao thông trên đường đi, vợ chồng tôi đã phải gọi gọi cảnh sát, sau đó trao đổi về vấn đề bảo hiểm và đền bù với chủ xe bên kia.

Hai con sau khi quan sát tình huống sẽ biết cách gọi cảnh sát, hiểu vai trò của mỗi bên, từ đó có thể áp dụng để xử lý những tình huống tương tự. Tương tự với những trường hợp như xịt lốp xe, gặp chủ nhà có thái độ tệ,... vợ chồng tôi luôn cố gắng hỏi ý kiến của con và cùng con giải quyết vấn đề.

Để con phát triển tư duy ứng biến thì phải đặt con vào nhiều tình huống khác nhau. Nếu không đi ra ngoài và khám phá thường xuyên, có lẽ chúng tôi sẽ không thể gặp những tình huống như vậy. Vậy nên có thể nói, việc đi du lịch - cắm trại tạo ra một “trường đời thu nhỏ” để con trải nghiệm và trưởng thành.

Bất ngờ trước những trưởng thành của con

Một lần nọ, khi bố mẹ đang đi làm, con gái lớn tan học về nhà bấm chuông nhưng không thấy em ra mở cửa, cũng không liên lạc được với bố mẹ. Thường thì em tan học trước chị nên sẽ ở nhà đợi chị về, nhưng hôm ấy sau khi bấm chuông chị vẫn không thấy có động tĩnh gì.

Con gái lớn nghĩ đến khả năng em mình bị bắt cóc nên lập tức nhờ những người hàng xóm trong khu nhà đi tìm em. Một trong những người ấy liên lạc với trường, nhờ trường gọi cho tôi (chị Phương Anh). Lúc ấy tôi cũng hoảng vì nhìn qua camera trong nhà cũng không thấy được gì. Hoá ra là con bé đang ngủ nhưng lại đắp chăn kín nên không nghe thấy tiếng chuông.

Sau lần ấy, tôi ngẫm nghĩ rằng nếu rơi vào tình huống ấy thì chắc một đứa trẻ sẽ trở nên hoảng loạn, tuy nhiên con gái mình lại bình tĩnh tìm kiếm sự trợ giúp của những người khác và xử lý một cách êm xuôi. Tôi tin rằng chính những chuyến đi và những tình huống ngoài dự đoán đã giúp con trau dồi kỹ năng giải quyết vấn đề.

Trong suốt 4 năm vừa qua, nhà tôi đã đi đến khá nhiều những khu cắm trại lớn nhỏ. Một số khu cắm trại có nhiều hoạt động vui chơi như cho cá ăn, chèo thuyền,... nhưng đa số các bãi cắm trại sẽ chỉ có thiên nhiên bao quanh. Lúc này hai con sẽ phải phát huy tính sáng tạo và tự nghĩ ra trò chơi, đơn giản như là trò ném đá hay trèo cây.

Nhiều lần vợ chồng tôi bất ngờ vì vừa mới đến nơi, quay ra đã thấy hai con “lập hội” với các bạn khác từ khi nào, rồi còn rủ nhau đi nhặt lá, nhặt củi. Qua nhiều lần đi như vậy, chúng tôi nhận thấy hai con đã trở nên tự lập, dạn dĩ hơn, không ngại giao tiếp với người lạ, hòa nhập cộng đồng rất nhanh.

Trước kia, khi con còn nhỏ, vợ chồng tôi vẫn phải sắp quần áo cho con trước mỗi chuyến đi. Giờ đây, vợ chồng tôi chỉ cần nói nhà mình sẽ đi chơi 2 ngày 1 đêm, đi biển hay đi núi,... là hai con sẽ biết phải lựa quần áo và đồ dùng phù hợp để sắp vào

Trên đường đi, hai con cũng hay quan sát những hành động của bố mẹ và đặt câu hỏi rất thiết thực. Chẳng hạn, khi thấy bố mẹ xin hoá đơn đỏ, con sẽ hỏi tại sao cần hoá đơn đỏ; khi lên đường cao tốc, con sẽ hỏi tại sao đường cao tốc thu tiền;...

Bây giờ đi đâu hai con cũng có thể giúp bố mẹ lấy hoá đơn đỏ và quan trọng hơn là hiểu được mục đích của việc ấy. Đối với vợ chồng tôi, việc tạo ra môi trường để con có thể tự do tìm tòi và đặt những câu hỏi ngoài kiến thức học trên lớp là rất quan trọng, và vì vậy chúng tôi cũng luôn cố gắng giải đáp thắc mắc của con một cách tận tình.

Một mũi tên trúng nhiều đích

Những chuyến đi du lịch - cắm trại không những là dịp là tiếp xúc và giáo dục con cùng nhau mà còn là vợ chồng tôi hâm nóng tình cảm. Chúng tôi làm hai ngành nghề khác nhau với những đặc thù riêng nên cũng hiếm có thời gian tiếp xúc và chia sẻ tâm tư.

Đi du lịch là một cách hiệu quả để giải phóng năng lực tiêu cực và rồi sau đó quay trở lại công việc với một tâm thế tốt hơn. Đi cắm trại về quả thật rất mệt, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy sảng khoái vì đã nhận được nhiều trải nghiệm quý báu. Nhiều người tưởng chúng tôi dư dả nên mới đi chơi nhiều như vậy, nhưng sự thật là để có thể đi nhiều nơi thì chúng tôi phải siết chặt chi tiêu, lúc đi du lịch thì tự mang đồ ăn, dụng cụ để tiết kiệm nhất có thể.

Chúng tôi đã đi qua rất nhiều địa điểm nhưng gần đây mới bắt đầu lưu giữ lại những kỷ niệm của gia đình qua những thước phim. Trước mỗi chuyến đi chúng tôi đều tìm hiểu rất kỹ thông tin về địa điểm đó cũng như giao lưu với người bản địa để lý giải những nét văn hoá của họ.

Với những thông tin và kinh nghiệm như vậy, chúng tôi thấy sẽ rất phí nếu chỉ giữ cho riêng mình. Với mong muốn chia sẻ góc nhìn của người đã ở Nhật 21 năm, vợ chồng tôi sẽ rất vui nếu có thể truyền được cảm hứng cho những gia đình đang muốn xích lại gần nhau và có thêm những trải nghiệm thân mật. Chúng tôi luôn nhắn nhủ rằng, bạn không cần đi chơi xa, cũng không cần chi nhiều tiền, chỉ cần mang một tư duy mở đến một môi trường mới và đón nhận những trải nghiệm một cách tích cực nhất.Với những ai muốn thử cắm trại nhưng còn chưa “dám”, vợ chồng tôi khuyến khích bạn chọn một nơi cắm trại cho thuê đồ và đi cùng bạn bè. Chỉ cần đi một lần là bạn sẽ hiểu tại sao cắm trại lại gây nghiện đến vậy!

Theo:giadinhvietnam.com

Tham quan trải nghiệp khu cắm trại lý tưởng nhất gần Hà Nội